Friday, September 26, 2008

Giá trị thái độ người lao động

Hiện nay, dù có hô hào về giá trị của công ty như thế nào đi nữa, thì hệ thống quản lý công ty trên thực tế vẫn đang cổ động cho các giá trị như sau:
  • Boss trả tiền lương cho tôi: dù có nói như thế nào đi nữa về phục vụ khách hàng, thì mục đích thật sự là cần làm vừa lòng ông chủ.
  • Tôi chỉ là một chiếc răng trong bánh xe: thượng sách đối với tôi là cắm đầu làm việc và đừng có gây chuyện.
  • Càng có nhiều người phụ thuộc vào tôi bao nhiêu thì tôi càng quan trọng bấy nhiêu: ai có vương quốc lớn nhất là người chiến thắng
  • Ngày mai cũng sẽ giống như ngày hôm nay: nó luôn luôn là như vậy.
Thật đau lòng!

(trích từ cuốn Re-engineering the Corporation của Michael Hammer và James Champy)

Tuesday, May 27, 2008

Thống Nhất trong Đa Dạng

Bài đăng trên báo The Fox, Số 1, 01.06.2008

Giới thiệu: Là một trong sáu công ty thành viên, FPT Telecom South, gọi tắt là FTS, (Công ty TNHH Viễn thông FPT Miền Nam), đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông kết nối băng thông rộng tại thị trường phía Nam (từ Quảng Ngãi cho đến mũi Cà Mau) để khách hàng khai thác các dịch vụ truy cập Internet, điện thoại cố định VoIP, truyền hình IP theo yêu cầu (on-demand). Được thành lập ngày 13.05.2008, FTS điều hành 7 chi nhánh, gồm 4 tại TPHCM (Chi nhánh Bình Thạnh, Chi nhánh Chợ Lớn, Chi nhánh Tân Bình, Chi nhánh Bến Thành), và 3 tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Trong năm 2008, FTS có kế hoạch mở thêm chi nhánh tại Tiền Giang và Cần Thơ. Nhiệm vụ của FTS là đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông lắp đặt sợi cáp thuê bao đến từng nhà khách hàng để cung cấp các dịch vụ viễn thông nói trên. Nói nôm na, FTS giống kiểu “xây đường xá cho bà con đi lại thuận tiện và có thu phí cầu đường”.

Có một đồng nghiệp hỏi tôi vì sao FPT Telecom lại chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty và các công ty thành viên? Tôi đã chuyển câu hỏi đến Kiến trúc sư trưởng của việc chuyển đổi mô hình, Mr. Trương Đình Anh. Anh trả lời rất gợi cảm như sau: “Anh muốn FPT Telecom phải trở thành một tổ chức có năng lực phản ứng nhanh nhạy, tức thời với những thay đổi trên thị trường và nhu cầu của khách hàng... Chứ nếu chúng ta là một cơ thể to béo mà kim đâm vào, ba ngày sau vẫn không thấy đau thì nguy to.”

Như vậy, việc chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty và thành lập một loạt các công ty vùng miền, công ty kinh doanh đường trục, công ty quảng cáo, công ty dữ liệu trực tuyến, v.v. là nhằm tạo ra một thể chế vận hành hiệu quả hơn để nắm bắt và thực hiện tốt các cơ hội đang diễn ra trên thị trường viễn thông hiện nay.

FPT Telecom đã có 10 năm tuổi với những thành công rất đáng tự hào. Thường thì khi thành công như vậy, người ta ít có động lực phải thay đổi. Nhưng khi các điều kiện cạnh tranh trở nên “phẳng” hơn, FPT Telecom đã không xây dựng “tường ngăn” để bảo vệ các thành quả quá khứ của mình. Ngược lại, công ty đã vớ lấy cuốc xẻng và đào sâu vào bên trong chính mình với mong muốn hoàn thiện hơn các giá trị cốt lõi và khai thác hơn nữa tiềm năng của con người FPT Telecom. FTS là một sản phẩm của quá trình lấy cuốc xẻng đào sâu.

Ủy quyền cao hơn, tinh chỉnh lại cơ cấu tổ chức, quản trị chiều sâu dựa trên mục tiêu, chỉ số và các tiêu chí chất lượng là những nhát cuốc điển hình cho quá trình đào sâu nói trên. Mỗi một thị trường có những đặc thù riêng về nhu cầu khách hàng. Thách thức đặt ra là vừa bảo đảm tính nhất quán của tổ chức, vửa xây dựng chính sách điều hành đủ linh hoạt để các chi nhánh có thể tối ưu những cơ hội thị trường ở từng địa bàn riêng biệt. Sẽ không thể ứng xử với khách hàng ở Bình Dương, Vũng Tàu, v.v. như khách hàng ở TPHCM, mặc dù nhìn bề nổi thì các khách hàng này đều đang sử dụng dịch vụ ADSL hay ipTV của FPT Telecom. Hệ thống chỉ số, các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp tiếp thị, bán hàng v.v. vì vậy cần được điều chỉnh tùy biến ở mức độ am hiểu nhất về khách hàng bản địa.

Do đó, các chi nhánh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, (và sắp tới là) Tiền Giang, Cần Thơ, v.v. có thể có quy mô, doanh thu, lợi nhuận nhỏ hơn các chi nhánh tại TPHCM, nhưng lại phải học cách hành động thực sự lớn. Chìa khóa cho việc nhỏ mà hành động lớn là nhanh chóng chiếm lĩnh lợi thế của mọi công cụ cộng tác mới, bao gồm hệ thống quản trị khách hàng tương tác của FPT Telecom dựa trên nên web (web-based Inside) đang thường xuyên được nâng cấp, các đối tác thuê ngoài (outsourcing partner) bán hàng, triển khai, bảo trì dịch vụ tại địa bàn, v.v. Mô hình hoạt động của các chi nhánh hiện nay đã phức tạp hơn rất nhiều lần so với mô hình hoạt động của toàn bộ công ty FPT Telecom từ năm 2007 trở về trước, thách thức nhân sự các cấp ở FTS và từng chi nhánh phải nhanh chóng bổ sung các phẩm chất và kỹ năng cần thiết cho công việc mới.

Đối với hoạt động kinh doanh tại TPHCM, mô hình một chi nhánh “hàng khủng” đã không còn phù hợp được thay thế bằng bốn chi nhánh mới (Chi nhánh Bình Thạnh, Chi nhánh Chợ Lớn, Chi nhánh Tân Bình, Chi nhánh Bến Thành). Việc “chia nhỏ” hoạt động tại một thành phố lớn như TPHCM là hướng đến khả năng phục vụ, chăm sóc sâu sát và kịp thời nhất nhu cầu khách hàng ở từng địa bàn. Các chi nhánh sẽ vận hành theo hướng làm càng chi tiết càng tốt các dịch vụ cung cấp đến tay khách hàng để khách hàng nhận được thêm nhiều giá trị từ nhà cung cấp. Một ví dụ “nhỏ”: trước đây, một nhân viên bán hàng ADSL đem mẫu hợp đồng đến đặt vào tay khách hàng để ký và mang về chuyển cho bộ phận khảo sát triển khai xem xét thực hiện. Phương pháp này khiến khách hàng tốn thời gian “gặp gỡ” nhiều lượt nhân viên khác nhau từ FPT Telecom đến ký hợp đồng, khảo sát, lắp đặt, nhưng cuối cùng, khách hàng vẫn có thể không nhận được dịch vụ mong muốn vì quy trình phức tạp nói trên. Nay nhân viên bán hàng của FTS là người am hiểu hạ tầng có thể thực hiện ngay việc khảo sát lắp đặt cho khách hàng, đảm bảo đến 95% khả năng cung cấp dịch vụ và thông báo rõ cho khách hàng ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên.

Các chi nhánh sẽ không nhìn thị trường thành một “đại thế giới”, ngược lại, được đòi hỏi phải tích cực thực hiện các biện pháp data mining (phân tích số liệu) nhằm phân đoạn nhu cầu từng đối tượng khách hàng trên địa bàn của mình để xây dựng các chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng sâu sắc hơn so với trước đây. Từ đầu 2008, các chi nhánh tại TPHCM hàng tháng đã liên tục thực hiện hàng loạt các chương trình “khuyến mại cục bộ” trên địa bàn của mình để “customize” (tùy biến) dịch vụ cung cấp cho khách hàng ở từng nơi. Những bước khởi đầu nhỏ này cho thấy sự đúng hướng của một hành trình lớn.

Với việc đào sâu vào bản thân mình, FTS đã nhận thức những thiếu hụt về phẩm chất, kỹ năng trong lực lượng nhân sự quản trị. Vì vậy, trong 2008, FTS đã bổ sung mới 36% nhân sự quản lý cao cấp vào ban điều hành của FTS và các chi nhánh trực thuộc. Đây là một trong những hành động mạnh dạn nhất mà FTS thực hiện trong quá trình tinh chỉnh cơ cấu tổ chức. Vượt qua những thách thức hòa nhập giữa nhân tố cũ và mới, FTS tiếp tục nhận thức việc bổ sung nguồn lao động tri thức phù hợp là cơ hội quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển tiếp theo của công ty.

Hoạt động của FTS hiện nay không thể thiếu sự cộng tác của các đối tác thuê ngoài (outsourcing partner). Hiện nay, 100% công tác triển khai cáp thuê bao, 50% công tác bảo trì thuê bao, 80% công tác thu cước tại nhà khách hàng đã được FTS chuyển ra ngoài thuê các đối tác là tổ chức, cá nhân liên kết thực hiện. Những thương hiệu như Xa Gần, Hà Khuê, Trương Nguyễn, Hưng Thông và gần đây bổ sung thêm Vinh Thân, Minh Dũng, Phú Quốc, Liên Minh, v.v. đã trở thành quen thuộc trong hoạt động hàng ngày ở FTS. Đây là những mô hình hợp tác win-win (các bên cùng thắng) bình đẳng sẽ gắn bó hữu cơ lâu dài. Thách thức đặt ra cho các đối tác là cần nâng cấp kỹ năng quản lý và kỹ năng thực hiện ở trình độ chuyên nghiệp các dịch vụ cung ứng cho FTS.

Thực tế cho thấy thuê ngoài (outsourcing) không dành cho những “tay chơi” nghiệp dư mà thực sự đòi hỏi những người chuyên nghiệp và có lý tưởng nghiêm túc tham gia. Mr. Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Thông, một đối tác thuê ngoài (outsourcing) của FTS, là một người rất tâm huyết với việc nhận cung ứng dịch vụ triển khai và bảo trì thuê bao cho FTS, từng tâm sự rằng điều anh mong muốn nhất là tạo được công ăn việc làm đều đặn cho hàng chục lao động phổ thông đã đi theo anh từ nhiều năm nay. Anh nói giản dị, “Cứ có việc là em đi theo các anh [FPT]”. Mr. Phan Thế Anh Lân, một cựu FOXer, đã chuyển ra ngoài thành lập Công ty Xa Gần nhận cung ứng dịch vụ cho FTS thì lại cho rằng điểm quan trọng nhất đối với anh là vẫn luôn luôn được phục vụ “mái nhà chung” FPT Telecom.

Điều đáng ghi nhận là chính các công ty thuê ngoài (outsourcing) nói trên đã tiếp tục tạo ra hàng trăm việc làm có thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động phổ thông tại các địa bàn mà FTS hoạt động. Mạng lưới các đối tác thuê ngoài (outsourcing) rõ ràng là một xu thế tất yếu sẽ được tiếp tục phát triển trong thời gian tiếp theo.

Friday, September 28, 2007

"Ra đi trong danh dự"

2001
Năm đó, có Ms. M là trưởng phòng marketing. Chị là một cô gái xinh xắn, dễ thương. Nói tiếng Anh dẻo như bún. Rất khéo. Khách ta, khách Tây mê tít, ký hợp đồng ầm ầm. Thật là một tay súng cừ khôi. Ms. M chỉ huy một đội bán hàng rất thiện chiến và có năng lực. Uy tín của chị lên cao. Chị thực sự được ban giám đốc công ty hết sức tin tưởng.

Ấy thế nhưng các cụ thường nói “khôn ba năm, dại một giờ”. Chỉ vì tư lợi mà Ms. M đã chấm dứt sự nghiệp tại tổ chức này trong phút chốc.

Vụ việc xuất phát từ một lần ban giám đốc nhận được khiếu nại của một khách hàng Tây rằng: Ms. M lấy danh nghĩa là trưởng phòng marketing của công ty ký hợp đồng bán dịch vụ cho khách hàng, nhưng tiền thì đã thu mà dịch vụ thì không thấy đâu. Ban giám đốc lạ quá và yêu cầu các bộ phận tìm hiểu thì mới phát hiện Ms. M đã lạm dụng chức vụ, tự đi ký hợp đồng với khách hàng, tự tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ ở bên ngoài công ty, nhưng do “quản lý dự án” yếu kém nên làm phát sinh khiếu nại, dẫn đến vụ việc bị lộ tẩy.

Không biết Ms. M đã làm trót lọt bao nhiêu vụ, nhưng chỉ một vụ việc bị phát hiện, ngay lập tức, chị “được” yêu cầu tự viết đơn xin nghỉ việc để có thể “ra đi trong danh dự”.

Dù sau đó, chị có thanh minh nhiều lần, nhưng cuối cùng, chị cũng đã đi tìm một sự nghiệp mới ở một phương trời khác.

2004

Nổi lên là một manager dám nghĩ, dám làm, có mưu chí và tài thao lược, Mr. Q xứng đáng là một chỉ huy tác chiến có hiệu quả hàng đầu trong lĩnh vực của anh.

Bộ phận do anh chỉ huy được hưởng lương theo công thức lương khoán, tức là ăn phần trăm theo doanh thu bán hàng hàng tháng của bộ phận. Do anh lãnh đạo tốt nên quỹ lương bộ phận sau khi trả lương cho anh em vẫn có dư. Sau vài tháng, số dư cộng dồn lên thành một con số lớn.

Sau này, anh giải thích, vì “thương anh em”, nên đáng lẽ nhân viên A, với kết quả làm việc trong tháng, chỉ hưởng mức lương, ví dụ, 4 triệu đồng thì anh “khảng khái” cộng thêm cho “em nó” 1 hoặc 2 triệu nữa. Chuyện thương dân như thương con cũng là lẽ thường tình trong quản lý. Chỉ có điều, sau khi công ty phát lương cho nhân viên, anh đã thu lại số tiền “thặng dư” đó từ những nhân viên được anh “thương” để, như anh nói, thành lập một quỹ chung của cả bộ phận. Tuy nhiên, quỹ này được dùng vào mục đích gì thì không ai biết rõ. Chỉ biết rằng, anh đã “bị” một trong những “em nó” của anh “tố giác” với ban giám đốc và sự việc vỡ lở.

Sự nghiệp của anh kết thúc và lại một người nữa “ra đi trong danh dự”.

2007

H. là một lãnh đạo cấp cao có nhiều điểm khác biệt so với những managers còn lại trong tổ chức. Anh đã lãnh đạo vài trăm nhân viên mang lại những chiến công rực rỡ cho tổ chức. Anh cũng nổi tiếng với phong cách quản trị “thẳng tay” đối với nhân viên không tuân thủ cách điều hành của anh. Ngoài công việc, H. cũng nổi tiếng về phong cách “công tử Bạc Liêu” của anh. Thiên hạ rất nể những món đồ mà anh mua. Xe hơi, đồ công nghệ, v.v. của anh toàn là những hàng “độc”, đắt tiền.

Mọi người đều cho rằng, với chức vụ của anh, thu nhập từ lương, thưởng, cổ phiếu và các điền sản của gia đình cộng với cá nhân anh đủ uy tín để vay nợ ngân hàng thì mấy món “đồ chơi” nói trên thuần túy chỉ là đồ chơi theo đúng nghĩa đen của nó, không đáng phải lo nghĩ về phương diện tài chính.

Nhưng sự thực lại khác.

Để mua các món đồ chơi “độc”, “đắt tiền”, anh đã vay mượn từ nhiều nguồn bạn bè, người quen để chi tiêu. Nhưng không lẽ cứ đi vay mượn người quen mãi. Anh đã sử dụng một chiêu “độc nhất vô nhị”.

Với chức vụ của mình, anh đã “khuyến khích” hơn một chục thuộc cấp đi vay ngân hàng. Mỗi thuộc cấp vay vài chục chai (triệu) ở một ngân hàng. Mỗi thuộc cấp lại vay ở vài ngân hàng. Toàn bộ số tiền vay được của tất cả những thuộc cấp này được đưa cho anh vay lại mà không hề có bất kỳ chứng từ văn bản vay nợ nào. Anh dùng số tiền này làm gì thì không ai biết và cũng không nên biết vì đó là chuyện vay mượn cá nhân.

Nhưng cách anh trả nợ cho đám đàn em thì thật "táo bạo". Hàng tháng, giống như trường hợp của Mr. Q, bộ phận của anh được hưởng một quỹ lương ăn theo doanh thu bán hàng. Quỹ có dư. Nhân viên B được hưởng lương 4 triệu đồng thì anh đã cộng thêm, ví dụ, 1,15 triệu đồng, tương ứng với số tiền trả ngân hàng của cá nhân đó hàng tháng, vào bảng lương, tức là nhân viên sẽ được công ty phát cho 5,15 triệu đồng. Đề phòng đám đàn em nhận lương xong không trả nợ bọn ngân hàng (vốn là những mối quen biết của anh), anh đã cử một đàn em thân tín cứ sau kỳ phát lương hàng tháng đi đến tận từng người thu lại khoản tiền “dôi dư” nói trên rồi gom lại trả cho ngân hàng. Có những đàn em muốn tìm cách “tự giải thoát” khỏi bị ngân hàng xiết nợ khi đến hạn thanh toán thì đều được anh xử lý “êm ái” vì anh và “chú” có giấy tờ vay nợ gì đâu, ngoan ngoãn ở đây thì có việc làm và hàng tháng anh trợ cấp cho “chú” tiền trả nợ ngân hàng.

Phương pháp khoa học đó kéo dài cho đến một ngày xấu trời, lãnh đạo gọi anh lên nói chuyện về phương pháp ấy.

Sự nghiệp của anh đột tử và tổ chức cũng cho anh “ra đi trong danh dự.”

[còn tiếp]

Thursday, August 23, 2007

Truyện Tàu: Thợ săn và Đàn chó

1. Một chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.

Người chăn dê thấy thế thì cười, trêu chú chó:
- Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn.

Chó săn đáp:
- Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn thỏ chạy vì tính mạng!

2. Nghe thấy thế, thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được “trả lương” bằng mấy chiếc xương. Không bắt được thỏ thì không có ăn.

Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.

3. Được một thời gian, bầy chó nhận ra: thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.

Thợ săn hỏi:
- Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy

Bầy chó trả lời:
- Thở lớn, thỏ nhỏ không khác nhau, ai phí công đi bắt thỏ lớn đây?

Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng nhỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: cứ một thời gian lại thống kê trọng lượng thỏ của từng con săn về, từ đó trả công theo từng giai đoạn.

Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng.

4. Thế nhưng, ngày này qua tháng khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.

Thợ săn hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:

- Quãng đời đẹp nhất của bọn tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng bây giờ bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông còn cho chúng tôi xương không?

Thế là thợ săn thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả số xương nhất định.
Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao.

5. Một thời gian sau, có một con nói:

- Chúng ta cố gắng thế này mà chỉ được mấy khúc xương, mà số thỏ săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng ta lại không bắt thỏ cho chính mình nhỉ?

Thế là có mấy chú chó bỏ thợ săn, tự mình lập xưởng bắt thỏ.

Sunday, July 15, 2007

"Em vẫn như ngày xưa!"

Trong cuốn sách "Nghệ thuật Ziglar trong bán hàng", Zig Ziglar đã có một nhận định quá hay như sau:

"Nhìn lại quãng đời nghề nghiệp, từ khi còn là một nhân viên bán hàng, đến quản lý bán hàng, và sau này là đào tạo bán bàng, tôi chắc chắn một điều rằng những người bán hàng chuyên nghiệp thành công nhất luôn giữ thái độ của một người mới bắt đầu. Người bán hàng nhà nghề đã đạt tới và tồn tại được ở vị trí cao nhất trong nghề nghiệp chính là một lính mới có kinh nghiệm. Điều đó có nghĩa là chúng ta đạt tới một tầm nào đó là nhờ vào kinh nghiệm học hỏi không ngừng, từ những "điều nhỏ" sẽ dẫn đến những "khác biệt lớn" trong nghệ thuật bán hàng chuyên nghiệp."

Bình loạn: Thường thì có những salesman thành công được thăng tiến, sau một thời gian, lại trở nên trì trệ và có tâm lý "ngại" không muốn giữ thái độ của một người mới bắt đầu nữa. Thế là hiệu suất công việc đi xuống. Hóa ra bí quyết thành công đơn giản vẫn chỉ là việc duy trì phong độ và tác phong làm việc như những ngày đầu.

Saturday, November 04, 2006

Đập đầu mà ngất đi


Tôi đã có 3 lần bị đập đầu mà ngất đi. Chuyện như sau:

Đập đầu lần thứ nhất

Lần đập đầu này rất vô duyên. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó chị tôi học lớp 7 hay lớp 8 gì đó ở trường Kim Liên, tôi thì học lớp 2 hoặc lớp 3. Hôm đó, chẳng hiểu vì lý do gì mà chị tôi lại dắt tôi đến trường chị chơi với mấy chị bạn cùng lớp. Nói chung, đi theo cho vui là chính, chứ bé tí biết gì mà chơi.

Hôm đó, trời đổ cơn mưa to. Hai chị em ướt lướt thướt. Về đến nhà tầm 2 giờ chiều. Sợ bố mẹ chiều đi làm về phát hiện. Chị tôi bảo tôi thay quần áo rồi hai chị em kéo nhau ra trạm máy bơm gần nhà để giặt đồ bẩn. Chị thì giặt. Em thì nghịch nước. Tôi thả hai chiếc dép vào cái rãnh nước cho nước chảy cuốn trôi đi rồi lại nhặt dép, quay lại đầu rãnh, thả lại lần nữa. Cứ thế, cứ thế…

Vô phúc là cái rãnh nước lâu ngày có nhiều rêu bám, trơn lắm. Thằng bé thì ham nghịch. Thế là bất thình lình hai chân trượt tung lên trời. Cả người bay lên không như bị người vô hình oánh một đòn judo. Rơi uỵch xuống một cái. Đầu đập chát xuống mặt đất.

Thế là bất tỉnh nhân sự. Lần đập đầu thứ nhất mà ngất đi kết thúc như vậy đấy.

Đập đầu lần thứ hai

Lần đập đầu này thì là do nghèo mà đập đầu. Chẳng nhớ lúc đó học lớp mấy. Đại khái chắc vẫn học cấp 1. Thời bao cấp, gia đình nào cũng thiếu thốn. Nhà nào có chiếc tivi thì cả xóm kéo đến xem phim nhờ vào buổi tối. Trẻ con thì chỉ thích xem chương trình Những Bông Hoa Nhỏ lúc 7 giờ kém 15 phút tối.

Cạnh nhà tôi có nhà bác Sâm (bác này bây giờ già chết lâu rồi) có cái tivi Neptune cũ rích. Tôi thường sang xem nhờ. Một buổi tối, chắc gần đến giờ chương trình Những Bông Hoa Nhỏ, mẹ gọi đi tắm, thằng bé sốt ruột, cầm cái quần đùi mới để tắm xong thì thay, mon men chạy sang nhà hàng xóm. Thường thì nếu muốn xem nhờ, chỉ cần đẩy cửa vào rồi bảo: “Bác cho cháu xem nhờ”, rồi ngồi tót phệt xuống sàn nhà mà xem. Nhưng vì sắp phải đi tắm nên tôi quyết định trèo lên cái chuồng gà đặt dưới cửa chớp nhà bác Sâm để nhìn vào nhà xem tivi đang phát chương trình gì.

Chỉ có điều, không hiểu tuổi thơ hiếu động thế nào mà tôi lại cho 02 tay vào 02 cái ống quần đùi bắt tréo sau lưng giống kiểu tội phạm bị còng số tám đằng sau lưng. Rồi cứ thế phi lên nóc chuồng gà, nghển cổ nhìn vào. A, chương trình Những Bông Hoa Nhỏ rồi! Vào xem thôi!

Trời đất bỗng quay cuồng. Đom đóm, chim muông tự dưng xuất hiện bay tứ tung. Mọi thứ đen ngòm. Phần hồn bay vào cõi hư không…

Khi tôi lờ mờ nhận thức lại cuộc sống thì thấy ai cũng đen ngòm từ đầu đến chân. Hóa ra mắt mũi tôi vẫn còn đang hoa. Hàng xóm lố nhố rất đông. Chỉ nghe loáng thoáng có người nói: “Cái chuồng gà bị mọt chân nên nó đổ xuống là đúng rồi. May thằng Đức chỉ bị đập đầu sơ sơ. Mà thằng này nghịch thật! Sao lại tự trói tay thế nhỉ?”

Hệ quả của lần đập đầu thứ hai là sau đó 1 tháng, nhà tôi có chiếc tivi Samsung đen trắng mới.

Đầu đầu lần thứ ba

Lần đập đầu này có thể coi là một lần chết hụt. Lúc đó tôi học lớp 5, 6 gì đó. Thường đi với bọn Long móp, Nam lùn, Tú chày, Hưng xún, Quân Phiêu, v.v. sang Kinh Tài (Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân) chơi đồ (trò chơi đuổi bắt).

Buổi chiều, nhiều lớp học hết giờ, vắng tanh, không có sinh viên nên bọn tôi thường leo lên tầng 2 chạy chơi cho thích. Hôm đó, cuộc đuổi bắt đang đến hồi quyết liệt. Phe đuổi bắt vây ráp sát sao. Tôi ở phe chạy trốn, tìm đủ mọi cách để thoát khỏi sự truy kích của quân “địch”.

Rốt cục, bị bức bách, tôi buộc phải trèo ra ngoài lan can của tầng 2, tay bám vào thành lan can, người đu đưa ở phía ngoài mà lẩn trốn.

Họa vô đơn chí. “Địch” vẫn phát hiện. Có thằng lao đến “vồ” tôi. Đầu tiên, nó “đập” vào đầu tôi. Tôi ngửa đầu ra đằng sau tránh được. Nó “phang” tiếp vào tay trái của tôi đang bám lan can. Tôi rút tay ra né. Nó vội vàng “chộp” vào tay phải của tôi. Cực chẳng đã, tôi rút nốt tay ra.

Thế là cả cơ thể bé bỏng của tôi “phi” vào không trung, bay từ tầng 2 xuống. Chỉ nghe đánh “chát” một cái. Một vụ va chạm khủng khiếp đã xảy ra. Cú va chạm ấy vẫn để lại dấu tích là một vết nứt loang lổ trên sàn gạch mà khoảng chục năm sau đó, tôi quay trở lại vẫn còn nhìn thấy.

Sau này, nghe bố tôi kể lại, cả nhà đang chuẩn bị cơm chiều. Bỗng dưng thấy thằng Nam lùn hớt hơ, hớt hải chạy về mách: “Bác Thành ơi! Anh Đức anh ngã từ tầng 2 bên Kinh Tài xuống đất”. Hồn vía bố mẹ tôi chắc đó bay luôn về Cực Lạc, hộc tốc chạy sang, thì thấy thằng con quý tử nằm mềm oặt dưới nền nhà. Sờ nắn khắp người, không thấy cái xương nào lồi ra. Chắc chưa bị gãy. Chỉ lo bị chấn thương sọ não nhỡ sau này trở thành thằng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn thì gay. Thế là bố tôi vác tôi chạy một mạch đến bệnh viện Bạch Mai.

Trên đường đi, tôi dần dần tỉnh lại. Ngày đó, bác sỹ khám cũng khác bây giờ. Chẳng chụp phim, điện não đồ xem có tụ máu, nứt sọ gì không. Bác sỹ khám kiểu “thần y”. Chỉ sờ đầu, bắt mạch rồi phán: “Không sao. Lần sau bảo nó đừng nghịch quá thể thế”. Rồi đuổi về.

Kết thúc lần đập đầu thứ 3, tôi được ăn một bát phở 50 đồng trên đường về. Ngày đó, chỉ khi nào ốm, sốt thì mới được ăn phở. Chứ khỏe mạnh bình thường thì chỉ được ăn cơm. Bát phở lúc đó ngon thế không biết.

Thôi, kể hết chuyện rồi, bây giờ đi làm bát phở tái chín cho tỉnh người cái đã. Ke ke ke!

Sài Gòn, 04/11/2006

Tuesday, October 31, 2006

Chiếc Xe


Chiếc xe đầu tiên của tôi là một chiếc xe ba bánh bằng sắt mà không biết bố tôi nhặt được ở đâu về cho chị em tôi khi tôi khoảng chừng 4, 5 tuổi gì đó. Nó phát ra tiếng động cút kít nghe thật vui tai mỗi khi chị tôi hoặc tôi đạp xe chạy chơi trên tầng 2 của khu tập thể hồi ấy. Chỉ có điều những lúc nào không làm chủ được tốc độ, chiếc xe lại văng xuống cầu thang làm tôi lăn lông lốc theo. Thật nguy hiểm. Dẫu sao nó cũng là phương tiện thô sơ đầu tiên giúp tôi hiểu rằng, ngoài đi bộ, vẫn còn có cách khác để di chuyển cùng với lũ trẻ con trong xóm. Nghĩ lại thấy vui thật.

Thực ra, hồi đó, trong khu tập thể, có mấy gia đình giàu có lắm, trong đó có gia đình nhà thằng Minh học cùng lớp mẫu giáo với tôi. Bố mẹ nó là dân buôn bán nên gia đình rất giàu. Nó được sắm một chiếc xe 02 bánh con con, trông rất đẹp. Thằng này hồi đó rất khệnh khạng mặc nguyên bộ đồ jeans rồi phóng xe ầm ầm trong khu tập thể, trêu chọc bọn trẻ con trong xóm. Tôi đã đánh nhau với nó mấy lần vì việc này, nhưng trong lòng vẫn thấy thèm rỏ dãi chiếc xe đạp của nó.

Năm chị tôi học lớp 6 ở trường Kim Liên cách nhà khoảng 3 cây số, bố mẹ tôi mua cho chị chiếc xe mini Hải Hà màu tím. Chiếc xe mới tinh, vẫn còn bọc nguyên nilon ở trên khung xe để chống xước. Chị tôi thích lắm vì từ đó trở đi, chị tôi có thể “làm người lớn” giống bố mẹ rồi. Mẹ tôi khi đó đi một chiếc Phượng Hoàng xanh do ông ngoại tôi cho làm của hồi môn từ hồi mẹ còn là nữ sinh viên khoa Sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Còn bố tôi thì lọc cọc với một chiếc Thống Nhất không phanh. Bố mẹ chắc đã phải dành dụm rất lâu để trang bị cho cô con gái rượu chiếc xe đó để đi học trên quãng đường xa. Hồi đó, tôi chỉ mới học lớp 1 hay mẫu giáo lớn gì đó nên chỉ biết nhìn mà ghen tỵ thôi. Mãi đến năm học lớp 4, tôi mới được mẹ cho mượn chiếc Phượng Hoàng để tập đi xe đạp. Chiếc xe đó có hộp xích nên rất nặng. Nhưng với sự hào hứng trẻ nhỏ, tôi đã tích cực tập luyện. Xe đổ không biết bao nhiêu lần. Háng của tôi bị bầm dập vì trượt chân khỏi bánh xe, đập xuống dóng xe. Đau ê ẩm! (may mà sau này không bị ảnh hưởng gì đến nòi giống). Nhưng sau vài ngày, tôi đã biết đi xe đạp. Đó là điều tuyệt vời đầu tiên trong cuộc sống mà tôi nhận thức rằng: Làm người lớn thích thật!

Bố tôi mua chiếc xe máy đầu tiên năm tôi học lớp 6. Đó là chiếc Barbeta rất phổ biến hồi đó. Đâu như giá 1.5 triệu đồng thì phải. Bố tôi cho xe nổ máy rốt-đa ầm ầm cả ngày trong khu tập thể. Oai phết! Thực ra hồi đó, đã có một số gia đình ăn nên làm ra mua được xe DD đỏ, 81, Chaly, v.v. Nhưng sở hữu một chiếc Barbeta vẫn là một sự kiện lớn trong gia đình tôi vì nó là chiếc xe “bán tự động” đầu tiên của cả nhà (vừa chạy bằng máy, vừa có thể đạp bằng chân).

Ấy thế nhưng chỉ một năm sau, bố tôi đã bán chiếc xe đó đi với giá 1 triệu cho một chú công nhân xây dựng để đổi lấy một chiếc Honda Cub 82-86. Mãi sau này, bố tôi mới kể lại rằng, bố phải quyết tâm đổi xe vì khi đó, hàng ngày, chở mẹ chúng mày đi làm, mẹ thường yêu cầu bố dừng cách xa cổng cơ quan cả trăm mét rồi đi bộ thủng thẳng vào cơ quan. Hóa ra mẹ chúng mày sĩ diện. Đi xe Barbeta không oai. Nhưng từ khi đổi sang Honda Cub 82-86 thì oai phong khác hẳn. Hai vợ chồng còn ăn mặc complet, áo dài lóng lánh chở nhau đi ăn cưới chị My, con bác Lưu (anh trai mẹ tôi) nữa.

Cũng trong năm đó, tôi lần đầu tiên được sở hữu một con xe đạp. Vì lên cấp 2, tôi chuyển trường học khác ở xa hơn, chiếc xe mini Hải Hà mà chị tôi đi trước đó đã cũ rách và được mang đi bán đồng nát, nên bố mẹ tôi đã nhờ chú Nam, người cùng cơ quan với bố tôi (bây giờ đang đi tù vì tội buôn ban đất đai không giấy tờ), ra chợ Giời kiếm giúp một chiếc xe đạp cũ. Chiếc xe đó cũng đã chóc gần hết sơn nên tôi cũng không biết nó là chiếc xe hiệu gì, nhưng nó đã gắn bó với tôi từ năm lớp 7 cho đến hết năm lớp 8. Lên lớp 9, thì mẹ tôi chuyển nhượng chiếc Phượng Hoàng cho tôi. Nhưng vào lúc ấy, chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũng tan tác lắm rồi. Hộp xích đã được tháo vứt đi từ lâu. Tuy nhiên, dẫu sao nó vẫn từng là hồi môn của mẹ.

Lần đầu tiên tôi biết thế nào là một chiếc đạp xịn là khi tôi vào cấp 3. Mẹ tôi vì đã được bố tôi chuyên chở hàng ngày bằng xe máy nên đã quyết định chuyển nhượng một lần nữa chiếc xe ESKA xịn mà bố tôi đi Tiệp Khắc mua về. Lai lịch chiếc ESKA này cũng đầy cảm xúc. Số tiền mua chiếc ESKA là phần lớn số tiền mà mẹ tôi có được nhờ hương hỏa đất đai được chia từ việc bán căn nhà của ông ba ngoại tôi ở Hà Đông. Nó vừa là tài sản lớn của gia đình khi đó, vừa là một kỷ niệm sâu nặng (khi đó, ông bà ngoại tôi đã đi xa cả rồi). Thế nhưng bi kịch đã xảy ra. Vào một buổi tối, tôi đi học thêm luyện thi đại học ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, chiếc xe đạp ESKA đã bị ăn trộm trong bãi để xe. Đó là điều mà cho đến tận bây giờ nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn rất day dứt. Tối hôm đó, mẹ tôi đã không thể tin được vì sao thằng con trai lại đánh mất tài sản vô giá đó của gia đình. Tôi biết mẹ tôi buồn lắm, nhưng chẳng biết làm sao cả. Báo công an thì chú công an chỉ lắc đầu rồi ghi ghi, chép chép vào sổ. Thế là hết.

Nhưng dù có khổ đau, con người vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh thực tế. Tôi vẫn cần có xe để đi học. Bố mẹ lại phải cắn răng bỏ ra 600 trăm nghìn đồng (số tiền khá lớn khi đó) để mua cho tôi một chiếc Phượng Hoàng cánh chả. Thế là tôi lại có xe đạp mới để đi học. Và đó là chiếc xe đạp cuối cùng của tôi.

Thi đỗ đại học, tôi được treo thưởng là một chiếc “Hoàng Tử Đen” Win 100 mới tinh. Nhưng “giải thưởng” mà tôi thực nhận khi đó chỉ là một chiếc Honda Cub 81 cũ rích. Nguyên do là bố mẹ tôi bất ngờ thay đổi “danh mục mua hàng” chuyển từ Win 100 sang Suzuki Viva. Chỉ có điều người được sử dụng chiếc xe đó lại là bà chị yêu dấu của tôi. Hồi đó tôi thất vọng ghê gớm, suốt ngày lải nhải trách móc bà chị. Được cái bà chị tôi có tính “dĩ hòa, vi quý”. Ai nói gì mặc kệ. Cứ có xe đi là “ngộ” thích rồi. Tôi “đành” sử dụng chiếc Honda Cub 81 đi học hàng ngày. Nghĩ kỹ thì cũng là quá tốt.

Nhưng đứng trước sự bất đồng của “nhân dân”, chỉ đến học kỳ II năm thứ nhất của tôi ở đại học, bố mẹ đã “chuyển nhượng” cho tôi chiếc Dream III hay còn gọi là Dream “lùn”. Bố tôi mua một chiếc Dream II (Dream cao) mới để sử dụng. Khi đó, giấc mơ thanh niên của tôi đã trở thành sự thật.

Rồi tôi có bạn gái. Chúng tôi yêu nhau tha thiết. Thế là lại sinh chuyện. Một lần, tôi mượn chiếc xe Attila của một chị cùng chỗ làm để chở người yêu đi chơi. Người yêu tôi thích xe tay ga quá đòi đi thử. Sau một vài vòng quanh Bờ Hồ, nàng thốt lên âu yếm: Anh ơi, tháng 7 năm sau, anh mua cho em một chiếc Attila nhé. Làm trai cho đáng nên trai, đứng bên Bờ Hồ lộng gió, tôi vỗ ngực hào sảng hứa với nàng rằng: anh sẽ mua cho em một con Attila.

Vậy mà phải 3 cái lần “tháng 7 năm sau” kể từ khi buột miệng hứa, tôi mới mua được cho bạn gái khi ấy đã trở thành người vợ yêu dấu của tôi chiếc Attila như đã cam kết. Dù có trễ hạn quá lâu, nhưng chiếc xe mới đã làm hài lòng người bạn đời của tôi vô cùng. Hai vợ chồng vui sướng mang xe về nhà trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ tôi. Chắc họ nghĩ, hóa ra thằng con trai của họ cuối cùng cũng đã trở thành một người đàn ông thực sự biết lo toan cho gia đình.

Từ ấy, trong khi thiên hạ đi xe SPACY, @, SH,… hai vợ chồng vẫn đi Attila và Dream lùn từ thời sinh viên đi làm. Cuộc sống vui vẻ cho đến khi tôi nhận ra rằng, xung quanh mình, người ta đi xe hơi nhiều quá. Ái chà, sếp lớn, sếp vừa, sếp nhỏ của mình ai cũng có xe hơi cả rồi. Hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, sếp lớn của tôi là người có chiếc xe Mazda 323 đầu tiên của cả công ty làm chấn động dư luận. Oai phong khủng khiếp. Nhà anh không có garage nên anh thường để xe ở công ty. Mỗi lần anh đánh xe ra vào là bà con nhìn theo ngưỡng mộ. Sau này, anh cũng đã có lần tâm sự: khi đó, anh từng nghĩ rằng: chiếc xe ấy sẽ gắn bó cả đời với anh. Nhưng rầm một cái, anh đổi con BMW318. Rồi thì đến sếp vừa và một anh đồng nghiệp thân thiết của tôi tên là Kevin cũng mua luôn 2 con Mazda Premacy số tự động. Tôi vẫn còn nhớ có lần hai vợ chồng tôi đi với hai vợ chồng anh Kevin lên núi Bà Nà bằng chiếc Premacy. Cảm giác leo đèo, vượt núi hiểm trở thật là thú vị. Thế là trong đầu tôi cũng hình dung có một ngày tôi sẽ có xe hơi.

Hai năm rưỡi sau kể từ ngày leo núi Bà Nà, tôi đã mua một chiếc Toyota Zace GL. Mẹ vợ tôi không thể tin được chuyện đó khi mới được báo tin. Rốt cuộc, bà lẩm bẩm: giấc mơ đã thành sự thật. Thế là tôi có xe hơi. Việc đi lại của gia đình trở nên thoải mái và thuận tiện. Ngoài lúc đi làm, tôi thi thoảng lại lái xe đưa cả nhà đi chơi. Những lúc khác chở đồng nghiệp đi nhậu, tôi lại bắt gặp những cái nhìn ngưỡng mộ của các em gái phục vụ nhà hàng.

Vậy mà người đời không tha cho tôi. Họ lập luận rằng: sếp lớn đã đổi
Lexus GX 470; sếp vừa đã đổi BMW X5 (sau đó, sếp này lại đổi Mercedes S550); mới đây cả hai sếp lại mua thêm Lexus RX330 và Toyota Sienna; rồi thì mấy anh đồng nghiệp cũng đã đổi xe xịn cả rồi. Cỡ như tôi mà đi xe lắp ráp trong nước thì hèn quá. Lúc đầu cũng định kệ cha thiên hạ, nhưng cái cảm xúc “chạy đua vũ trang” tự lúc nào bỗng nhen nhóm và để đến một thời điểm bùng nổ khi có một người bạn kinh doanh xe hơi chuyên nghiệp bất chợt thông báo cho tôi biết về sự “đổ bộ” của một loại xe mới.

Thế là tôi trở thành chủ nhân của 1 trong 3 chiếc
RAV4 2006 Limited Edition đầu tiên ở Việt Nam. Cảm xúc đi xe nhập khác hẳn so với xe lắp ráp trong nước thật. Chỉ trong vòng 4 tuần lễ đầu tiên, tôi đã 3, 4 lần chạy xe đi Vũng Tàu chơi cùng gia đình và bạn bè. Đồng hồ counter đã vượt con số 3.000 km. Đây thực sự là một kỷ lục đối với xe sử dụng cá nhân. Nói về chiếc RAV4 này, tôi rất tâm đắc một bài báo do một chú phóng viên bản địa viết có đoạn: “Toyota RAV4 là một trong những chiếc xe được thiết kế để đốt cháy trong con người bạn cảm giác tận hưởng tự do, rời bỏ những lối mòn sáo rỗng, thoát khỏi những thứ quá quen thuộc để đi tìm tòi “cái lạ”. Lái xe này đúng là có cảm giác y hệt như thế thật. Chú phóng viên phân tích hay thế không biết.

Nhưng cuộc đời bon chen quá mức. Tôi mới đi công tác Hà Nội, gặp lại anh Kevin. Bây giờ anh ấy đang sở hữu 1 trong 2 chiếc
Lexus RX350 đầu tiên ở Việt Nam. Anh ấy mời tôi lái thử. Tôi có cảm giác đang cưỡi một văn phòng di động chạy ngoài đường. Lòng phàm lại trỗi dậy. Nhưng tôi bất giác kiềm chế lại…

Hôm rồi, ngồi nói chuyện với sếp lớn, nghe anh ấy tâm sự: chắc cuộc đời anh sẽ chỉ còn ước mơ mua phi cơ để đi mà thôi, tất nhiên, chỉ khi Luật hàng không dân dụng Việt Nam cho phép tư nhân sở hữu máy bay. Còn bây giờ có thể anh sẽ nghiên cứu việc mua phi thuyền để đi lại trong Sài Gòn vì đường xá trên bộ tệ quá, đi xe hơi cứ tắc đường hoài, làm bê trễ cả công việc.

Cuộc sống cứ thế trôi. Nó trôi từ chiếc xe đạp sắt ba bánh cũ kỹ kêu cút kít đến chiếc xe hơi nhập khẩu RAV4 2006 Limited Edition. Thế mới hiểu vì sao có những người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều bucks để được bay lên vũ trụ?

Con người sẽ đi xa và bay cao đến đâu nhỉ? Hê hê!!!

Sài Gòn 31/10/2006.

Viết thêm (vào ngày 15/07/2007): Hai tháng sau khi mua RAV4, tôi mua thêm 01 chiếc xe MPV 7 chỗ Toyota Innova cho bố mẹ tôi sử dụng tại Hà Nội. Bốn tháng sau đó nữa, tôi tiếp tục sở hữu một chiếc Lexus GS350 model 2007. Chiếc RAV4 hiện giờ dành cho vợ con tôi đi học và đi làm hàng ngày. Chắc chưa có cơ hội mua máy bay, hiện tại, tôi đang nghiên cứu mua du thuyền để đi trên sông Sài Gòn và ven biển Việt Nam.