Friday, September 28, 2007

"Ra đi trong danh dự"

2001
Năm đó, có Ms. M là trưởng phòng marketing. Chị là một cô gái xinh xắn, dễ thương. Nói tiếng Anh dẻo như bún. Rất khéo. Khách ta, khách Tây mê tít, ký hợp đồng ầm ầm. Thật là một tay súng cừ khôi. Ms. M chỉ huy một đội bán hàng rất thiện chiến và có năng lực. Uy tín của chị lên cao. Chị thực sự được ban giám đốc công ty hết sức tin tưởng.

Ấy thế nhưng các cụ thường nói “khôn ba năm, dại một giờ”. Chỉ vì tư lợi mà Ms. M đã chấm dứt sự nghiệp tại tổ chức này trong phút chốc.

Vụ việc xuất phát từ một lần ban giám đốc nhận được khiếu nại của một khách hàng Tây rằng: Ms. M lấy danh nghĩa là trưởng phòng marketing của công ty ký hợp đồng bán dịch vụ cho khách hàng, nhưng tiền thì đã thu mà dịch vụ thì không thấy đâu. Ban giám đốc lạ quá và yêu cầu các bộ phận tìm hiểu thì mới phát hiện Ms. M đã lạm dụng chức vụ, tự đi ký hợp đồng với khách hàng, tự tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ ở bên ngoài công ty, nhưng do “quản lý dự án” yếu kém nên làm phát sinh khiếu nại, dẫn đến vụ việc bị lộ tẩy.

Không biết Ms. M đã làm trót lọt bao nhiêu vụ, nhưng chỉ một vụ việc bị phát hiện, ngay lập tức, chị “được” yêu cầu tự viết đơn xin nghỉ việc để có thể “ra đi trong danh dự”.

Dù sau đó, chị có thanh minh nhiều lần, nhưng cuối cùng, chị cũng đã đi tìm một sự nghiệp mới ở một phương trời khác.

2004

Nổi lên là một manager dám nghĩ, dám làm, có mưu chí và tài thao lược, Mr. Q xứng đáng là một chỉ huy tác chiến có hiệu quả hàng đầu trong lĩnh vực của anh.

Bộ phận do anh chỉ huy được hưởng lương theo công thức lương khoán, tức là ăn phần trăm theo doanh thu bán hàng hàng tháng của bộ phận. Do anh lãnh đạo tốt nên quỹ lương bộ phận sau khi trả lương cho anh em vẫn có dư. Sau vài tháng, số dư cộng dồn lên thành một con số lớn.

Sau này, anh giải thích, vì “thương anh em”, nên đáng lẽ nhân viên A, với kết quả làm việc trong tháng, chỉ hưởng mức lương, ví dụ, 4 triệu đồng thì anh “khảng khái” cộng thêm cho “em nó” 1 hoặc 2 triệu nữa. Chuyện thương dân như thương con cũng là lẽ thường tình trong quản lý. Chỉ có điều, sau khi công ty phát lương cho nhân viên, anh đã thu lại số tiền “thặng dư” đó từ những nhân viên được anh “thương” để, như anh nói, thành lập một quỹ chung của cả bộ phận. Tuy nhiên, quỹ này được dùng vào mục đích gì thì không ai biết rõ. Chỉ biết rằng, anh đã “bị” một trong những “em nó” của anh “tố giác” với ban giám đốc và sự việc vỡ lở.

Sự nghiệp của anh kết thúc và lại một người nữa “ra đi trong danh dự”.

2007

H. là một lãnh đạo cấp cao có nhiều điểm khác biệt so với những managers còn lại trong tổ chức. Anh đã lãnh đạo vài trăm nhân viên mang lại những chiến công rực rỡ cho tổ chức. Anh cũng nổi tiếng với phong cách quản trị “thẳng tay” đối với nhân viên không tuân thủ cách điều hành của anh. Ngoài công việc, H. cũng nổi tiếng về phong cách “công tử Bạc Liêu” của anh. Thiên hạ rất nể những món đồ mà anh mua. Xe hơi, đồ công nghệ, v.v. của anh toàn là những hàng “độc”, đắt tiền.

Mọi người đều cho rằng, với chức vụ của anh, thu nhập từ lương, thưởng, cổ phiếu và các điền sản của gia đình cộng với cá nhân anh đủ uy tín để vay nợ ngân hàng thì mấy món “đồ chơi” nói trên thuần túy chỉ là đồ chơi theo đúng nghĩa đen của nó, không đáng phải lo nghĩ về phương diện tài chính.

Nhưng sự thực lại khác.

Để mua các món đồ chơi “độc”, “đắt tiền”, anh đã vay mượn từ nhiều nguồn bạn bè, người quen để chi tiêu. Nhưng không lẽ cứ đi vay mượn người quen mãi. Anh đã sử dụng một chiêu “độc nhất vô nhị”.

Với chức vụ của mình, anh đã “khuyến khích” hơn một chục thuộc cấp đi vay ngân hàng. Mỗi thuộc cấp vay vài chục chai (triệu) ở một ngân hàng. Mỗi thuộc cấp lại vay ở vài ngân hàng. Toàn bộ số tiền vay được của tất cả những thuộc cấp này được đưa cho anh vay lại mà không hề có bất kỳ chứng từ văn bản vay nợ nào. Anh dùng số tiền này làm gì thì không ai biết và cũng không nên biết vì đó là chuyện vay mượn cá nhân.

Nhưng cách anh trả nợ cho đám đàn em thì thật "táo bạo". Hàng tháng, giống như trường hợp của Mr. Q, bộ phận của anh được hưởng một quỹ lương ăn theo doanh thu bán hàng. Quỹ có dư. Nhân viên B được hưởng lương 4 triệu đồng thì anh đã cộng thêm, ví dụ, 1,15 triệu đồng, tương ứng với số tiền trả ngân hàng của cá nhân đó hàng tháng, vào bảng lương, tức là nhân viên sẽ được công ty phát cho 5,15 triệu đồng. Đề phòng đám đàn em nhận lương xong không trả nợ bọn ngân hàng (vốn là những mối quen biết của anh), anh đã cử một đàn em thân tín cứ sau kỳ phát lương hàng tháng đi đến tận từng người thu lại khoản tiền “dôi dư” nói trên rồi gom lại trả cho ngân hàng. Có những đàn em muốn tìm cách “tự giải thoát” khỏi bị ngân hàng xiết nợ khi đến hạn thanh toán thì đều được anh xử lý “êm ái” vì anh và “chú” có giấy tờ vay nợ gì đâu, ngoan ngoãn ở đây thì có việc làm và hàng tháng anh trợ cấp cho “chú” tiền trả nợ ngân hàng.

Phương pháp khoa học đó kéo dài cho đến một ngày xấu trời, lãnh đạo gọi anh lên nói chuyện về phương pháp ấy.

Sự nghiệp của anh đột tử và tổ chức cũng cho anh “ra đi trong danh dự.”

[còn tiếp]